YT215 – Thiết kế trụ đảo giao thông di động phục vụ công tác phân luồng, điều tiết giao thông tại các điểm giao cắt
Trong bối cảnh phương tiện giao thông ngày càng gia tăng, công nghệ AI và các phát minh liên quan đến công nghệ đã đổi mới dần công tác chỉ huy, điều hành giao thông. Tuy nhiên có một thực tế đang diễn ra đó là nếu công nghệ AI hướng dẫn phuơng tiện sang một tuyến đường khác, nút giao khác để giảm thiểu mật độ tham gia giao thông. Tuy nhiên lại không tính toán được người điều khiển phương tiện tại nút tiếp theo sẽ rẽ hướng nào, sẽ đi về đâu từ đó dẫn đến tình trạng có nguy cơ nút giao thông tiếp sau sẽ vẫn có tình trạng ách tắc.
Sẽ mất rất nhiều thời gian để công nghệ AI có thể lập trình và biết được con người sẽ đi đâu, đi vào giờ nào để phân bổ tuyến đường phù hợp nhằm hạn chế ách tắc giao thông. Từ nay cho đến lúc đó chúng ta cần xác định là phải kết hợp công nghệ tiên tiến với những giải pháp liên quan đến yếu tố con người, tận dụng tối đa hạ tầng, cơ sở vật chất để giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Một trong những giải pháp hiệu quả để giảm thiểu ách tắc giao thông là sử dụng đảo giao thông trên cơ sở cấm phương tiện di chuyển vào những điểm xảy ra xung đột giữa các luồng phương tiện trên đường (điểm các phương tiện di chuyển giao cắt nhau). Tuy nhiên có một thực tế phát sinh là có nút giao thông trong điều kiện lưu thông bình thường không cần đảo giao thông, sử dụng đảo giao thông sẽ làm cản trở phương tiện, trong điều kiện ách tắc mới cần dùng đảo giao thông; hoặc có những nút giao chỉ khi có chương trình, sự kiện lớn mới cần bố trí đảo giao thông theo hướng phân luồng phương tiện đi ra nhiều hơn đi vào hoặc đi theo một hướng nhiều hơn; hoặc có tình huống bổ sung thêm tuyến đường thì số điểm xung đột tại ngã 3, ngã 4, ngã 5 sẽ nhiều lên…
Giải pháp mà nhóm tác giả đưa ra là sử dụng trụ đảo giao thông di động tại các khu vực điểm giao cắt. Phối hợp sử dụng trụ đảo giao thông di động cùng với sự điều hành của lực lượng CSGT sẽ góp phần hữu hiệu trong việc nâng cao hiệu quả công tác chỉ huy, phân luồng giao thông trên thực tiễn. Ngoài ra dưới sự lắp ghép trụ đảo giao thông di động còn có thể dùng để chỉ dẫn giao thông trong trường hợp hướng dẫn các phương tiện không đi qua ngã 3, ngã 4 giao cắt hoặc không dừng chờ đèn đỏ.
1. Mô tả hình thức trụ đảo di động
– Chất liệu:
+ Biển chỉ dẫn: tôn mạ kẽm, dán phản quang 3M hình mũi tên màu trắng
+ Thanh nối bằng thép
+ Trụ tròn ở giữa có thể sử dụng làm bục chỉ huy giao thông
– Màu sắc biển: Trắng xanh, mũi tên sơn trắng phản quang
– Các trụ đảo liên kết với nhau bằng thanh nối và có bộ phận ở giữa có thể sử dụng để làm bục hướng dẫn giao thông
– Ứng dụng: Sản phẩm được lắp tại các nút Ngã 3, Ngã tư giao nhau khi cần thiết, giữ vai trò quan trọng cho người tham gia giao thông, tạo nên tính an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông.
2.Tính ứng dụng của trụ đảo giao thông di động
– Lắp đặt tức thời, nhanh chóng để đảm bảo an toàn tại nút, điểm xung đột, giao cắt, đồng thời luôn giữ được mỹ quan cho đô thị. Đồng thời đây cũng là trang bị tích hợp để lực lượng CSGT duy trì công tác điều hành, hướng dẫn giao thông tại các nút giao thông vừa đảm bảo an toàn, vừa dễ nhận diện
– Trong một số trường hợp có thể sử dụng chính các biển chỉ dẫn để thực hiện công tác phân luồng rẽ phải, không cho phép rẽ trái nhằm giảm ách tắc giao thông tại các khu vực nút giao cắt trong giờ cao điểm
– Áp dụng sẽ giúp giảm thời gian di chuyển trung bình ít hơn so với các loại hình nút giao thông cùng mức điều khiển theo luật, hoặc nút có đèn tín hiệu. Dòng phương tiện được lưu thông liên tục, khả năng thông qua lớn, việc dừng lại khi qua nút được hạn chế, tính an toàn được nâng cao, giảm thiểu khả năng tai nạn lớn.
– Trụ đảo giao thông di động còn giúp giảm tiêu hao nhiên liệu và ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, giá thành sản xuất thấp, lắp đặt nhanh, tái sử dụng được nhiều lần không mất chi phí điều khiển, vận hành do không đòi hỏi người chuẩn bị phải thực hiện lâu, không chiếm diện tích sử dụng mặt bằng lớn.