Theo số liệu thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông, từ ngày 14/12/2022 đến 15/4/2023, lực lượng cảnh sát giao thông cả nước đã phát hiện, xử lý 232.056 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, 113.792 trường hợp nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở; 48.291 trường hợp nồng độ cồn vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở; 67.183 trường hợp vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.
Ngoài ra, 2.790 trường hợp không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn. Các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra, các đơn vị đã lập biên bản xử phạt vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất.
Lực lượng chức năng đã phạt tiền hơn 1.100 tỷ đồng thu nộp ngân sách; tước 137.722 giấy phép lái xe, trong đó có 233 trường hợp đối với ô tô khách, 1.016 lái xe ô tô tải, 10.481 lái xe ô tô con, 571 lái xe container, 219.261 lái xe mô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng 20 trường hợp và xe thô sơ là 474.
Theo Bộ Công an, vi phạm nồng độ cồn là một trong 3 nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông, bên cạnh vi phạm về tốc độ và chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng xe. Chính vì vậy, trong năm 2022, nhất là từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã tập trung xử lý rốt ráo những vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia, ma túy.
Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, cho hay hiệu quả của xử lý nghiêm nồng độ cồn không chỉ góp phần giúp người dân sống trong bình yên, an toàn, bớt nỗi lo mỗi khi ra đường, mà còn giúp các gia đình, xóm làng bình yên hơn.
“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong xử lý vi phạm nồng độ cồn để tạo thói quen người tham gia giao thông là “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Nhiều ý kiến mong muốn lực lượng chức năng tiếp tục duy trì nghiêm việc kiểm tra, xử phạt vi phạm nồng độ cồn để hạn chế, ngăn chặn tai nạn giao thông và các vụ đánh, cãi nhau, thậm chí giết người do uống rượu bia không làm chủ được bản thân”, Thượng tá Huy cho biết.
Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông khẳng định việc các đơn vị nắm bắt được trên tuyến, địa bàn có những loại đối tượng nào thường sử dụng rượu, bia sau đó lại điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ giúp đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục phù hợp để từng đối tượng có ý thức hơn trong chấp hành pháp luật. Bên cạnh đó, đối với những đối tượng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu bia, các đơn vị tại từng địa bàn sẽ xử lý kiên quyết.
“Các đối tượng lợi dụng việc uống rượu để thực hiện các hành vi càn quấy, gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép hoặc phát sinh tội phạm xuất phát từ rượu, bia thì chúng tôi sẽ xử lý rất nghiêm, có thể xử lý hình sự nếu hành vi đó cấu thành tội phạm”, Phó cục trưởng Cục cảnh sát giao thông chia sẻ.
Trước đó, trong Hội nghị tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ diễn ra vào tháng 4/2023, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh việc giải quyết nồng độ cồn không chỉ góp phần đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tai nạn giao thông, mà còn phòng ngừa những hành vi phạm tội do uống rượu như giết người, cố ý gây thương tích, dâm ô, hiếp dâm…
“Việc xử lý quyết liệt nồng độ cồn trong thời gian qua của toàn lực lượng cảnh sát giao thông là rất tốt, được các cấp, các ngành và nhân dân đánh giá rất cao, thực sự đã đi vào mâm cơm, bữa ăn từng gia đình. Chúng tôi nhận được thư cảm ơn của nhiều phụ nữ vì cho rằng, từ ngày xử lý nghiêm nồng độ cồn thì chồng ít đi tụ tập, rượu bia, về nhà sớm, chăm lo cho gia đình”, Bộ trưởng cho hay.
Ngoài ra, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới, bên cạnh việc kiến nghị với ngành chức năng trong khắc phục tồn tại trong tổ chức giao thông, các đơn vị cảnh sát giao thông cũng đã chủ động đề ra các giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn ngay nguy cơ tai nạn xuất phát từ nguyên nhân này. Như khi thời tiết xấu, sương mù nhiều tại các tuyến đường đèo dốc khu vực Tây Bắc, cảnh sát giao thông các tỉnh Hòa Bình, Sơn La đã trực tiếp có mặt tại các cung đường lên đèo, dốc để cảnh báo, hướng dẫn lái xe đi chậm, giữ khoảng cách, sử dụng đèn xe đúng cách…
Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2023 do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện. Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn. Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có đơn vị tài trợ chính Công ty Ô tô Toyota Việt Nam , đơn vị tài trợ Tổng công ty Bảo hiểm PVI |