Toàn cảnh chấm thi sơ khảo “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023”
Buổi chấm thi vòng sơ khảo cuộc thi “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023” đã diễn ra vào ngày 13/9 tại Báo Dân trí.
Ban giám khảo gồm Trung tá Tạ Thị Hạnh Lê và Thiếu tá Trần Thanh Bình, cán bộ phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông; nhà báo Lê Bảo Trung, Trưởng ban Khoa học Giáo dục, nhà báo Phạm Xuân Hải, Trưởng khối nội dung thời sự và nhà báo Đinh Văn Nam, phụ trách Khối nội dung Ô tô – xe máy, Báo Dân trí; ông Mạc Quang Quyền, Trưởng phòng Trách nhiệm xã hội, bà Hoàng Thị Phượng, Phó phòng Trách nhiệm xã hội và ông Mai Ngọc Túy, Phó trưởng ban kỹ thuật dịch vụ Công ty Ô tô Toyota Việt Nam.
Theo quyết định về việc thành lập ban giám khảo, tổ thư ký và tiêu chí xét chọn giải thưởng cuộc thi, các bài thi sẽ được chấm theo 6 tiêu chí.
Cụ thể, tính sáng tạo đổi mới: 20 điểm; khả năng ứng dụng, phát triển: 20 điểm; khả năng thu hút đầu tư của sáng kiến: 10 điểm; chất lượng báo cáo mô tả hoặc mô hình, bản thử nghiệm: 20 điểm; trình bày rõ ràng và phản biện tốt: 20 điểm; thuộc top 5 sáng kiến mỗi hạng mục được độc giả bình chọn nhiều nhất: từ 5 đến 10 điểm.
Ban giám khảo chia thành 3 tổ chấm, gồm 2 tổ cho hạng mục “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam” và 1 tổ hạng mục “Sáng kiến Công nghệ về an toàn giao thông”.
Các tổ chấm ngồi tại phòng riêng, chấm thi theo phương thức độc lập, trước khi họp thống nhất đưa ra các bài thi xuất sắc nhất vào vòng chung khảo.
Năm nay, số lượng bài dự thi tăng đột biến, gấp hơn 3 lần so với năm ngoái. Với hơn 1.110 bài thi, trong đó bài thi về hạng mục “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam” lên tới 1.050 bài là áp lực rất lớn với ban giám khảo.
Nếu năm 2022, số lượng bài thi của các chiến sĩ, cán bộ trong ngành giao thông chiếm ưu thế thì năm 2023 chứng kiến sự tham gia đông đảo của các thầy cô giáo thuộc ngành giáo dục, cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của chương trình.
Nhiều bài thi công phu, dài tới cả trăm trang, thậm chí có bài thi được viết tay toàn bộ gửi về ban tổ chức từ rất sớm.
Riêng hạng mục “Sáng kiến Công nghệ về an toàn giao thông” có 63 bài dự thi, thu hút sự tham gia của nhiều đối tượng như học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu…
Nhiều tác phẩm có sự tham khảo các công nghệ mới nhất từ nước ngoài, có tính tới sự phát triển và chuyển dịch từ xe sử dụng động cơ đốt trong sang xe điện.
Sau giờ chấm thi độc lập buổi sáng, buổi chiều, hai tổ chấm thi hạng mục “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam” họp thống nhất để chọn ra các bài thi nổi bật nhất.
Gần 100 bài thi được cân nhắc kỹ lưỡng trong những thảo luận cuối cùng.
Với tiêu chí khả năng ứng dụng và phát triển trong thực tế, ban giám khảo đã quyết định chọn ra top 8 thay vì top 10 để đảm bảo những bài thi xuất sắc nhất, với chất lượng đồng đều nhất sẽ được trực tiếp thi đấu với nhau trong vòng chung khảo.
Tương tự, tổ chấm hạng mục “Sáng kiến Công nghệ về an toàn giao thông” cũng chọn ra top 8 chung cuộc.
Như vậy, top 16 chung cuộc của cuộc thi “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023” đã được chọn ra, hướng tới vòng chung khảo sẽ diễn ra vào cuối tháng 9.
Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2023 do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện. Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn. Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có đơn vị tài trợ chính Công ty Ô tô Toyota Việt Nam , đơn vị tài trợ Tổng công ty Bảo hiểm PVI |