Đây là năm thứ 2 cuộc thi Sáng kiến An toàn Giao thông Việt Nam được tổ chức bởi Cục Cảnh sát Giao thông, Báo Dân trí. Công ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện.
Trước thềm bước vào vòng chung khảo, cuộc thi Sáng kiến An toàn Giao thông Việt Nam năm 2023 đang dần trở nên gay cấn và thu hút sự chú ý của độc giả trên khắp cả nước, khi ban tổ chức công bố đã có hơn 1.000 bài dự thi. Nhiều sáng kiến sử dụng trí tuệ nhân tạo, có hàm lượng công nghệ cao, mới mẻ như khai phá dữ liệu, tối ưu hóa, học máy để cảnh báo tai nạn, dự đoán lưu lượng giao thông, phát hiện vi phạm giao thông…
Một số sáng kiến công nghệ được các chuyên gia người Việt đang học tập ở nước ngoài nghiên cứu từ nền giao thông của các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Singapore… được kỳ vọng sẽ áp dụng thành công tại Việt Nam.
Trong đó có thể kể đến Ứng dụng kết hợp hump giảm tốc và vạch kẻ đường giúp người đi bộ qua đường an toàn mà không cần đèn giao thông tại các trường học, khu đô thị.
Theo nhóm tác giả người Việt đang học tập và nghiên cứu trong ngành quy hoạch và quản lý giao thông tại trường đại học Saitama, Nhật Bản, hump giảm tốc là một trong những biện pháp quản lý nhu cầu giao thông sử dụng phổ biến tại Nhật Bản.
Chiến lược được đưa ra đó là tác động trực tiếp vào hành vi giao thông của người dân thông qua những giải pháp hữu hình bằng gờ giảm tốc. Nếu chạy quá tốc độ, người điều khiển phương tiện sẽ cảm thấy bị ảnh hưởng hoặc khó chịu vì dao động và tiếng ồn gây ra. Từ đó hình thành ý thức giảm tốc độ khi qua và nhận thức về sự hiện diện của hump giảm tốc trên đường.
Với nhiều ưu điểm có thể tháo lắp lưu động, tiết kiệm chi phí, so với gờ giảm tốc hiện tại ở Việt Nam, hump có thể kết hợp dễ dàng với vạch kẻ đường đồng thời màu đỏ nổi bật của hump sẽ làm nổi bật khu vực ưu tiên cho người đi bộ, giúp người đi bộ qua đường an toàn hơn. Ngoài ra, giải pháp này còn tiến tới thay thế đèn tín hiệu giao thông giúp tiết kiệm tài nguyên điện và thời gian lưu thông.
Một sáng kiến rất độc đáo khác với giải pháp công nghệ là Ứng dụng Accident Warning – tự động báo vị trí xe máy khi bị tai nạn qua SMS trên hệ điều hành Android.
Nhờ có cảm biến gia tốc trọng trường của điện thoại, ứng dụng sẽ tự động xác định độ nghiêng của điện thoại từ đó đo được độ nghiêng của xe. Khi xe bị nghiêng do va chạm hoặc tai nạn, sau một khoảng thời gian xe không được dựng lên, ứng dụng sẽ định vị vị trí thông qua GPS, và gửi tin nhắn yêu cầu giúp đỡ cho số điện thoại được cài đặt sẵn kèm theo đó là đường link vị trí xe trên Google Maps.
Khi người sử dụng ứng dụng không may gặp tai nạn giao thông ở những nơi vắng vẻ, hay những nạn nhân ở nơi khác đến, khách du lịch ở địa hình đèo dốc, hiểm trở, nhờ tính năng cảm biến điện thoại xác định độ nghiêng của xe, ứng dụng sẽ gửi tin nhắn và vị trí của xe gặp nạn cho người thân nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Tận dụng được khoảng thời gian “vàng” của nạn nhân, do vậy khả năng cấp cứu kịp thời nạn nhân là rất cao, giảm được chi phí cho việc điều trị.
Ngoài ra, với những vụ tai nạn giao thông, người bị nạn bị người xấu lợi dụng lấy cắp điện thoại, nhờ vào tính năng định vị của ứng dụng, người nhà có thể xác định được vị trí của điện thoại bị lấy cắp.
Hoặc Ứng dụng AI trong việc tái thiết lập hệ thống xe buýt ở Sài Gòn được kỳ vọng sẽ góp phần tái cấu trúc các tuyến đường xe buýt ở TPHCM. Thuật toán này sẽ ghi nhận tất cả các nguồn dữ liệu liên quan bắt đầu từ việc phân tích các tuyến đường buýt hiện có, những người dân sống quanh khu vực này hay sử dụng xe buýt, sử dụng các lộ trình nào (thu thập từ database có sẵn hoặc có thể thu thập chủ động bằng cách tiến hành khảo sát để thu thập).
Từ đây, đơn vị quản lý sẽ xác định được nơi đặt các điểm dừng xe buýt cố định, điểm dừng xe buýt trong các giờ cao điểm cũng như có thể đưa ra quyết định loại bỏ các điểm dừng được xây dựng trước đó nhưng rất ít khi được sử dụng, giúp tiết kiệm nhân lực, kinh phí trong việc xây dựng lộ trình mới một cách thủ công. Bên cạnh đó, lộ trình xe buýt sau khi được tái cấu trúc sẽ được tối ưu hóa về quãng đường, thời gian đón – trả khách, tiết kiệm nhiên liệu và góp phần bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, một tác giả khác còn Sử dụng thuật toán Yolo kết hợp với Tracker để tạo ra ứng dụng nhận diện biển số xe, đếm số lượng xe từ khung biển số.
Ứng dụng giúp phát hiện các xe chạy quá tốc độ hoặc sai làn đường, thu phí bãi đỗ xe, trạm cân xe tự động hay giữ xe thông minh,… hứa hẹn góp phần giải quyết bài toán quản lý, điều hành, phân luồng và điều khiển giao thông tại các đô thị lớn.
Ban tổ chức chia sẻ, với hơn 1.000 bài dự thi, tăng gấp 3 lần so với mùa giải trước, cuộc thi năm nay được kỳ vọng sẽ lựa chọn ra nhiều sáng kiến hơn, được hiện thực hóa trong việc tổ chức giao thông, trong công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở nước ta.
Sau khi kết thúc vòng sơ khảo ngày 25/8 vừa qua, ban tổ chức cho biết sẽ chọn ra các bài dự thi hạng mục Sáng kiến an toàn giao thông và các bài dự thi hạng mục Sáng kiến công nghệ về an toàn giao thông vào vòng chung khảo diễn ra vào trung tuần tháng 9. Cổng bình chọn sẽ được mở ngay sau khi kết quả top 16 được công bố. Độc giả có thể theo dõi cuộc thi tại https://sangkienatgt.dantri.com.vn.
Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2023 do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện.
Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn.
Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có đơn vị tài trợ chính Công ty Ô tô Toyota Việt Nam , đơn vị tài trợ Tổng công ty Bảo hiểm PVI