Huy động sức mạnh, trí tuệ toàn dân vì giao thông an toàn
(Dân trí) – Những kết quả từ chương trình sáng kiến ATGT sẽ góp phần giúp cơ quan quản lý nhà nước tìm ra giải pháp an toàn giao thông thiết thực, góp phần cứu sống hàng vạn cuộc đời, gia đình.
Sáng 26/8, tại Trung tâm hội nghị Quốc tế (Ba Đình, Hà Nội) diễn ra chương trình sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam năm 2022. Chương trình do Cục CSGT, Báo điện tử Dân trí và Công ty ô tô Toyota Việt Nam tổ chức.
Theo ban tổ chức, đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động sôi nổi, thiết thực, hưởng ứng năm an toàn giao thông 2022, với mục tiêu huy động sức mạnh trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân, nhằm đưa ra các giải pháp giải quyết thực trạng giao thông đường bộ Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Chương trình sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam năm 2022 gồm 3 hoạt động chính: Khảo sát, lấy ý kiến người tham gia giao thông, cuộc thi sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam năm 2022 và tổ chức tọa đàm.
“Cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước về TTATGT với người dân”
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Hà cho biết, chương trình sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam năm 2022 có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc.
Theo bà Hà, ngoài việc huy động sức mạnh, trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân góp phần đưa ra giải pháp giải quyết thực trạng giao thông, giúp nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông, chương trình còn là cầu nối hữu hiệu giữa cơ quan quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) với người dân.
“Tôi mong muốn Báo Dân trí phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông xây dựng kế hoạch, chương trình truyền thông để triển khai sâu rộng cuộc thi tới mọi miền Tổ quốc và tới trí thức, kiều bào ta ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Báo Dân trí cần lựa chọn các nội dung thiết thực với những người dân thường xuyên tham gia giao thông, xây dựng thành các phóng sự để đăng phát vào những giờ vàng, tuyên truyền tạo hiệu ứng lan tỏa cho người dân, doanh nghiệp”, Thứ trưởng Hà nói.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, những kết quả từ chương trình mang lại sẽ góp phần giúp cơ quan quản lý nhà nước tìm kiếm và phát triển những giải pháp an toàn giao thông thiết thực, góp phần cứu sống hàng vạn cuộc đời, gia đình. Bà Hà cũng mong muốn các tổ chức chính trị – xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo tầng lớp nhân dân tiếp tục tham gia đóng góp để chương trình trở nên thực sự có ý nghĩa, cùng chung tay, chung sức, đồng lòng xoa dịu những nỗi đau mà tai nạn giao thông đã gây ra cho các nạn nhân và gia đình họ.
“Đột phá sáng tạo, ý tưởng trong công tác bảo đảm TTATGT”
Tại buổi lễ, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ công an) cho biết, trong những năm gần đây, với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ cùng với nỗ lực, quyết tâm cao độ của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an mà chủ công là lực lượng cảnh sát giao thông trên toàn quốc, đã góp phần kéo giảm số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) từ hơn 10.000 người chết (năm 2011) xuống còn dưới 6.000 người (năm 2021), đem lại bình yên trên những tuyến đường, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
“Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, được Đảng, Nhà nước và Chính phủ đánh giá cao. Tuy nhiên, tình tình TTATGT hiện tại vẫn còn diễn biến phức tạp, vi phạm pháp luật còn diễn ra ngang nhiên, nhất là ở những nơi không có sự giám sát của lực lượng chức năng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người, gây thiệt hại lớn đến tài sản của cá nhân, tổ chức. Ngoài ra, tình trạng ùn tắc vẫn thường xuyên xuất hiện trong các dịp nghỉ lễ, Tết và trong các khung giờ cao điểm tại các đô thị, thành phố lớn”, Thiếu tướng Trung trăn trở.
Lãnh đạo Cục CSGT cho rằng, để đạt mục tiêu tiếp tục kéo giảm số người chết vì tai nạn giao thông hàng năm, ngoài sự vào cuộc của hệ thống chính trị thì cần có sự chung tay, ủng hộ, tham gia đóng góp các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo, các sản phẩm công nghệ ứng dụng trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các tầng lớp nhân dân, các nhà chuyên gia, nhà khoa học…
Theo Cục CSGT, với mục tiêu “lấy người dân làm trung tâm”, trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Cục CSGT đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc thực hiện đồng bộ các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Tích cực thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn giao thông, qua đó giúp người dân được bảo vệ các quyền và cũng phải có các nghĩa vụ chấp hành pháp luật, nêu cao ý thức công dân khi tham gia giao thông.
“Tôi hy vọng chương trình sáng kiến an toàn giao thông do Cục CSGT, Báo điện tử Dân trí và Công ty ô tô Toyota Việt Nam phối hợp tổ chức sẽ tạo ra những đột phá sáng tạo, đặc biệt là các ý tưởng về pháp luật, xã hội, các ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đây là chương trình hết sức ý nghĩa, giúp phát huy sức mạnh toàn dân trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, qua đó, các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng CSGT sẽ sàng lọc, lựa chọn và đánh giá tính khả thi của những ý tưởng, những sản phẩm công nghệ này để áp dụng vào thực tiễn” – Thiếu tướng Trung nói.
Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2022 do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo điện tử Dân trí và Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện. Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn. Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có đơn vị tài trợ chính Công ty Ô tô Toyota Việt Nam , đơn vị tài trợ Tổng công ty Bảo hiểm PVI |