Bao giờ diễn ra phiên đấu giá biển số ô tô đầu tiên?
Từ ngày 1/7, Nghị quyết số 73/202/QH15 ngày 15/11/2022 về thí điểm đấu giá biển số ô tô của Quốc hội chính thức có hiệu lực, người dân sẽ được quyền lựa chọn, cạnh tranh để sở hữu biển số ô tô theo mong muốn.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), đã có những giải đáp xung quanh những thắc mắc của người dân về việc đấu giá biển số xe.
Định danh biển số là gì?
Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, định danh biển số là một cụm từ khá mới. Định danh biển số ô tô được hiểu là khi người dân mua bán, sang tên phương tiện, thì biển số của người dân vẫn sẽ được giữ lại và tiếp tục đăng ký cho chiếc xe khác.
“Số trên biển sẽ giống như sim điện thoại, có thể lắp trên bất kỳ chiếc máy nào. Như vậy có thể hiểu rằng, khi chủ phương tiện bán xe của mình đi thì được giữ lại biển số để đăng ký cho chiếc xe khác”, Thiếu tướng Đức lý giải.
Ngoài ra, hiện nay khi lực lượng chức năng gửi những thông báo vi phạm đến chủ phương tiện, thì chủ phương tiện đã bán xe cho người khác, vì vậy rất khó để yêu cầu chủ phương tiện và yêu cầu người vi phạm thực hiện các quyết định xử phạt.
Hoặc khi xảy ra tai nạn, việc truy được ra trách nhiệm của chủ phương tiện và trách nhiệm của người điều khiển phương tiện gây tai nạn sẽ rất khó khăn.
“Như vậy, tiến tới định danh biển số ô tô là để phục vụ tốt cho công tác quản lý của nhà nước và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của người dân trong việc tham gia giao thông khi sử dụng phương tiện”, Thiếu tướng Lê Xuân Đức chia sẻ.
Bao giờ người dân được tham gia đấu giá biển số ô tô?
Lãnh đạo Cục CSGT cho biết, trong Nghị quyết 73, Bộ Công an sẽ tổ chức đấu giá tất cả các biển số của 63 địa phương, người dân ở đâu cũng có quyền lựa chọn. Ví dụ người dân ở TPHCM nếu thích vẫn có thể lựa chọn và đấu giá biển số ở Hà Nội.
Theo dự kiến của Cục CSGT, trong thời gian một quý, lực lượng chức năng sẽ cấp khoảng 100.000 biển số để đưa ra đấu giá. Số biển này sẽ là một phiên đấu giá, trong phiên đấu giá lại có nhiều cuộc đấu giá; không phải một lúc chúng ta đấu giá cả 100.000 biển số mà tùy theo tình hình thực tế, nhu cầu của người dân… có thể đấu giá 1.000 biển, 10.000 biển…
Theo dự kiến, phiên đấu giá đầu tiên sẽ diễn ra từ ngày 15/8 đến ngày 20/8.
“Công dân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc đều có thể tham gia đấu giá. Khi người dân đến đăng ký đấu giá biển số xe thì chỉ cần mang theo CCCD và đăng ký ở nơi thường trú hoặc tạm trú. Đây là một chính sách rất mở của Bộ Công an, lấy người dân làm trung tâm”, lãnh đạo Cục CSGT thông tin.
Vì sao mức giá khởi điểm là 40 triệu đồng?
Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, mức giá khởi điểm đấu giá sẽ là 40 triệu đồng, đây là mức giá bằng 5% của những phương tiện ô tô phổ thông nhất mà người dân đang lưu thông hiện nay. Ông Đức đánh giá, đây là một mức khởi điểm rất phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân hiện nay.
Phương thức đấu giá là đấu giá lên và toàn bộ số tiền đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước. Khi phân bổ ngân sách, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ và Chính phủ trình Quốc hội để giải ngân nguồn ngân sách này.
Cũng theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, với những trường hợp không phải biển số trúng đấu giá, tuy nhiên khi bán xe vẫn cố ý không nộp lại biển số mà giữ lại để chuyển nhượng thì luật đã có những quy định cụ thể.
Đơn cử, tại Nghị định 100 đã nêu rõ, xử phạt những chủ phương tiện không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu sau khi mua, bán xe. Quy định về trách nhiệm của chủ phương tiện đối với mọi hoạt động của phương tiện khi tham gia giao thông.