“Bài thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2022 mang tới nhiều ý tưởng và giải pháp sáng tạo”
(Dân trí) – Đây là nhận xét chung của các giám khảo dành cho hơn 200 bài thi của Cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2022 sau vòng chấm sơ khảo diễn ra vào ngày 5 và 6/12.
Ngày 5 và 6/12, tại tòa soạn báo điện tử Dân trí ở Hà Nội, 11 thành viên của ban giám khảo vòng sơ khảo Cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2022 đã chia thành hai nhóm để chấm điểm cho hơn 200 bài dự thi ý tưởng và giải pháp công nghệ.
Theo các thành viên ban giám khảo, dù đây là lần đầu tổ chức với hình thức và đầu bài khá mới mẻ, triển khai trong thời gian ngắn, nhưng số lượng người tham gia và bài thi lớn cho thấy cuộc thi đã nhận được phản hồi tốt từ xã hội khi đông đảo người dân quan tâm đến vấn đề An toàn giao thông và muốn cống hiến ý tưởng, sáng tạo của mình, nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại cũng như giúp bộ mặt giao thông Việt Nam ngày càng văn minh hơn.
Là thành viên ban giám khảo nhóm ý tưởng An toàn giao thông, Trung tá Tạ Thị Hạnh Lê, cán bộ phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho biết nhiều bài thi có ý tưởng hay, có học hỏi từ thực tiễn nước ngoài.
“Các tác giả rất muốn áp dụng những ý tưởng tân tiến của nước ngoài vào giao thông trong nước, muốn sáng tạo hơn trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Tôi nhận thấy nhiều bài thi xuất phát từ những trải nghiệm thực tế rất lâu của tác giả khi tham gia giao thông tại một địa điểm cụ thể ở các đô thị lớn như TPHCM và Hà Nội, nên các ý tưởng đưa ra cũng là để giải quyết ngay vấn đề tại chính nơi đó”, Trung tá Hạnh Lê cho hay.
Trong quá trình chấm thi, nữ giám khảo cũng ấn tượng bởi nhiều bài dự thi có độ dài hàng trăm trang, được trình bày công phu, tỷ mỷ như một công trình nghiên cứu, dẫn chiếu nhiều văn bản quy phạm pháp luật, thậm chí đã có tổng kết về hiệu quả thực hiện trong thực tế ở các địa phương, với mong muốn nhân rộng mô hình ra các tỉnh thành khác.
“Có lẽ nhiều người luôn ấp ủ những sáng kiến, ý tưởng như vậy từ lâu, nhưng trước khi có cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2022 thì chưa có nơi nào để họ trình bày một cách bài bản, trình tự như vậy. Do đó, tôi nghĩ cuộc thi cần nhân rộng hơn nữa để nhiều người Việt có thể tham gia, đóng góp ý kiến cho cộng đồng”, Trung tá Hạnh Lê nhận xét.
Trong khi đó, bà Nguyễn Phi Lê, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo BKAI, Đại học Bách Khoa Hà Nội, giám khảo nhóm giải pháp công nghệ An toàn giao thông đánh giá sự đa dạng của các bài thi đến từ tác giả cũng như cách thức đặt và giải quyết vấn đề của từng sản phẩm.
“Đối tượng dự thi rất phong phú, từ các em học sinh, sinh viên, người đi làm đến cán bộ ngành cảnh sát giao thông. Công nghệ đưa ra cũng rất đa dạng, từ thô sơ về mặt cơ khí đến sử dụng công nghệ tối tân nhất, mới nhất, như các cải tiến để tránh đạp nhầm chân ga, thiết bị cảnh báo điểm đen, hay sử dụng AI, học máy để dự đoán lưu lượng giao thông, điều khiển đèn tín hiệu thông minh”, bà Nguyễn Phi Lê chia sẻ.
Với yêu cầu các bài thi về giải pháp công nghệ phải có demo sản phẩm để thuyết trình trước ban giám khảo trong ngày thi chung kết, bà Phi Lê cho hay nhiều bài thi ở vòng sơ khảo đã có sẵn demo, nhưng phần lớn vẫn ở dạng mô tả ý tưởng.
“Có bài của các sinh viên ngành công nghệ do đặc thù được tiếp cận với bài toán học sâu, trí tuệ nhân tạo, các bài toán dự đoán, bài toán tối ưu nên công nghệ mô tả thấy rất mới. Vì thế, trong một tháng tới, nhất là trong ngày thi hackathon với sự giúp đỡ của các mentor, chúng tôi chờ đợi kỳ vọng sẽ có những sản phẩm demo chất lượng, có khả năng áp dụng thực tế của các đội thi”, giám đốc BKAI nói.