Cuộc thi Sáng kiến ATGT gợi ý hạng mục Giải pháp công nghệ
(Dân trí) – Ban tổ chức cuộc thi “Sáng kiến an toàn giao thông (ATGT) năm 2022” vừa công bố một số gợi ý cũng như cung cấp dữ liệu mà người tham dự có thể sử dụng để lập trình ứng dụng, tính năng nhằm cải thiện an toàn giao thông đường bộ.
Là một trong 3 hoạt động chính của chương trình cùng tên, cuộc thi “Sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam năm 2022” nhằm tìm kiếm, phát triển những ý tưởng mới; sản phẩm sáng tạo; ứng dụng công nghệ khắc phục, giải quyết các vấn đề trật tự – an toàn giao thông, nhất là tình trạng ùn tắc giao thông và hạn chế vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.
Chương trình được phát động từ 26/8, xoay quanh 2 chủ đề: Giải pháp kiềm chế, làm giảm thiểu ùn tắc giao thông đường bộ và Giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Các bài dự thi sẽ được chia thành 2 hạng mục: “Ý tưởng về an toàn giao thông” (các giải pháp hoàn thiện thể chế về pháp luật giao thông đường bộ; giải pháp tác động đến hành vi, ý thức của người tham gia giao thông) và “Giải pháp công nghệ an toàn giao thông” (nhóm giải pháp phần mềm ứng dụng và giải pháp phần cứng thiết bị kỹ thuật giải quyết các vấn đề an toàn giao thông).
Trong đó, hạng mục “Giải pháp công nghệ an toàn giao thông” sẽ được tổ chức theo hình thức riêng – hình thức Hackathon. Với hình thức thi Hackathon, các cá nhân đăng ký thi đấu theo đội, cùng phối hợp lên ý tưởng và lập trình phát triển giải pháp công nghệ cho ý tưởng đó. Sau vòng Sơ khảo kéo dài hơn 3 tháng, các đội được lựa chọn vào vòng Chung kết sẽ tập trung thi đấu liên tục trong 48 tiếng để hoàn thiện giải pháp và trình bày trước Ban giám khảo. Mới đây, ban tổ chức cuộc thi đã công bố một số vấn đề gợi ý về giải pháp phần mềm mà người tham dự có thể tập trung phát triển. Bao gồm:
– Xác định và quản lý điểm đen giao thông dựa trên dữ liệu tai nạn giao thông.
– Phát hiện, phân loại, theo vết và ước lượng mật độ các phương tiện giao thông.
– Phát hiện các lỗi vi phạm giao thông như vượt đèn đỏ, đè làn, không đội mũ bảo hiểm, dùng điện thoại khi tham gia giao thông…
– Dự đoán lưu lượng giao thông tại một ngã tư dựa trên dữ liệu camera lịch sử trước đó.
– Dự báo lưu lượng giao thông ở các ngã tư dựa trên thông tin camera giám sát ở các ngã tư lân cận.
– Dự đoán lưu lượng giao thông dựa trên dữ liệu cảm biến.
– Phát hiện và đếm số lượng phương tiện giao thông từ trên cao hỗ trợ xác định điểm đen giao thông.
– Phát hiện sự cố giao thông bất thường.
– Dự đoán hành trình và hành vi lái xe.
– Phát hiện lái xe buồn ngủ, mất tập trung khi tham gia giao thông.
Ngoài các gợi ý này, các nhóm có thể đề xuất giải pháp cho các vấn đề khác phù hợp với chủ đề cuộc thi. Nhằm giúp người dự thi có thêm dữ liệu để phát triển các ý tưởng, ban tổ chức cũng cung cấp và gợi ý một số bộ dữ liệu để các nhóm có thể sử dụng. Bên cạnh đó, các nhóm có thể sử dụng các bộ dữ liệu riêng hoặc các bộ dữ liệu công khai khác trên mạng.
– Dữ liệu về dữ liệu tai nạn giao thông và camera giao thông do ban tổ chức cung cấp: Tại đây
– Dữ liệu video và hình ảnh giao thông BDD100K cho xe tự hành: Tại đây
– Dữ liệu giao thông đo bằng cảm biến Los Angeles (METR-LA) và Bay Area (PEMS-BAY): Tại đây
– Dữ liệu giao thông Q-Traffic: Tại đây
– Dữ liệu sự cố giao thông bất thường DoTA: Tại đây
– Dữ liệu phát hiện và đếm phương tiện giao thông từ trên cao: Tại đây hoặc Tại đây
– Dữ liệu hành trình và hành vi lái xe METEOR: Tại đây
– Dữ liệu lái xe buồn ngủ: Tại đây hoặc Tại đây
– Một số bộ dữ liệu khác tham khảo thêm Tại đây
Cuộc thi “Sáng kiến an toàn giao thông năm 2022” được tổ chức thành 3 vòng. Vòng Sơ khảo, các cá nhân hoặc tập thể cần gửi hồ sơ dự thi về email: sangkienatgt@dantri.com.vn hoặc tòa soạn Báo điện tử Dân trí (số 2 Giảng Võ, Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội) trước ngày 301/11. Kết thúc vòng Sơ khảo, ban giám khảo sẽ tiến hành chấm và chọn ra 20 ý tưởng hoặc sản phẩm nổi bật nhất (mỗi hạng mục 10 sản phẩm) để vào vòng Chung khảo.
Tại vòng Chung khảo, 20 ý tưởng, sáng kiến xuất sắc nhất vào vòng Chung khảo sẽ được đăng tải lên trang https://sangkienatgt.dantri.com.vn và kêu gọi độc giả bình chọn theo 2 hạng mục giải thưởng. 5 ý tưởng hoặc sáng kiến được bình chọn nhiều nhất của mỗi hạng mục sẽ được cộng điểm vào bảng điểm tổng. Kết thúc vòng Chung khảo, ban giám khảo lựa chọn 5 ý tưởng, sáng kiến xuất sắc nhất của mỗi hạng mục để tham gia vòng Chung kết.
Tại vòng Chung kết, các cá nhân hoặc tập thể dự thi hạng mục “Ý tưởng về an toàn giao thông” sẽ trình bày ý tưởng, sáng kiến trước ban giám khảo. Riêng các nhóm dự thi hạng mục “Giải pháp công nghệ an toàn giao thông” sẽ trải qua 48 tiếng thực hành thi đấu tại địa điểm thi với sự tham vấn của các chuyên gia để hoàn thành sản phẩm dự thi, trước khi trình bày dự án hoặc sản phẩm trước Ban giám khảo.
Ban giám khảo sẽ chấm, xếp giải nhất, nhì, ba và 2 giải khuyến khích cho mỗi hạng mục. Giải nhất mỗi hạng mục sẽ là chủ nhân của giải thưởng trị giá 100 triệu đồng; giải nhì là 30 triệu đồng; giải ba 10 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 5 triệu đồng; cùng giấy chứng nhận đạt giải của ban tổ chức chương trình và giấy khen của Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an.
Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2022 do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn. Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có đơn vị tài trợ chính Công ty Ô tô Toyota Việt Nam , đơn vị tài trợ Tổng công ty Bảo hiểm PVI |