Những “điểm đen” ùn tắc 10 năm chưa thể xóa sổ ở Hà Nội
(Dân trí) – Theo Sở GTVT Hà Nội, trong 10 năm qua đã có 36 điểm ùn tắc giao thông được “xóa sổ”. Tính đến tháng 8 năm nay, Hà Nội vẫn còn 31 điểm ùn tắc như: Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Tố Hữu – Lê Văn Lương…
Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội vừa báo cáo tổng kết 10 năm (2012-2022) thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.
Hàng năm, Sở GTVT phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội tổ chức rà soát các điểm giao thông có nguy cơ ùn tắc và các “điểm đen” có nguy cơ gây tai nạn, để có giải pháp tổ chức giao thông cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Sở này khẳng định, trong 10 năm qua, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thủ đô có nhiều chuyển biến tích cực.
Cụ thể, tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút được kiềm chế. Đặc biệt, trong năm 2013, trên địa bàn Hà Nội có 67 điểm ùn tắc thì đến nay chỉ còn 31 điểm. Tuy nhiên, báo cáo không nêu cụ thể vị trí 31 điểm xảy ra ùn tắc.
Năm 2012, trên địa bàn Hà Nội có 54 “điểm đen” về tai nạn giao thông thì đến nay, thành phố chỉ còn 6 “điểm đen”. Hiện Sở GTVT Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý 6 “điểm đen” này.
Theo Sở GTVT, hiện trên một số tuyến đường chính, trục đường xuyên tâm như Cầu Giấy – Xuân Thủy – Hồ Tùng Mậu, Trường Chinh – Đại La – Minh Khai, Kim Mã… còn xảy ra tình trạng phương tiện di chuyển khó khăn vào khung giờ cao điểm; tình trạng ùn tắc giao thông trên một số tuyến đường vào nội đô, cửa ngõ ra vào thành phố còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong các khung giờ cao điểm, các dịp lễ, tết.
Về nguyên nhân của thực trạng ùn tắc nêu trên, Sở GTVT Hà Nội nhận định là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân và doanh nghiệp vận tải chưa cao.
Ngoài ra, do số lượng phương tiện giao thông tăng quá nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp, khiến tình trạng ùn tắc xảy ra trên một số tuyến đường như Đại lộ Thăng Long – Trần Duy Hưng, Tố Hữu – Lê Văn Lương, Trần Phú – Nguyễn Trãi…
Để giải quyết tình trạng trên, thời gian tới, ngành giao thông Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai Đề án Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Hà Nội cũng sẽ tập trung thực hiện Đề án Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030…
Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2022 do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo điện tử Dân trí và Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện. Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn. Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có đơn vị tài trợ chính Công ty Ô tô Toyota Việt Nam , đơn vị tài trợ Tổng công ty Bảo hiểm PVI Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022 gồm 03 hoạt động chính: 1. Khảo sát, lấy ý kiến người tham gia giao thông Mỗi người dân góp một tiếng nói phản ánh về thực trạng tình hình giao thông hiện nay. Qua đó, các Cơ quan quản lý Nhà nước về TTATGT có thể hiểu được những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của người tham gia giao thông để có những giải pháp thực tế, cải thiện tình hình giao thông mỗi ngày. 2. Cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022 Cuộc thi là hoạt động trọng tâm của Chương trình, được tổ chức 02 năm một lần trên quy mô toàn quốc. Năm 2022 tập trung vào chủ đề giảm thiểu ùn tắc giao thông và hạn chế vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. 3. Tổ chức Tọa đàm Các buổi tọa đàm trao đổi, thảo luận, tham khảo ý kiến chuyên gia, tập trung hoàn thiện và phát triển các ý tưởng, giải pháp trong Cuộc thi có tính ứng dụng cao được áp dụng vào thực tiễn. |