Tăng cường ứng dụng công nghệ để đảm bảo an toàn giao thông
Nhiều năm qua, việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu để quản lý điều hành vận tải, điều khiển giao thông, tuyên truyền an toàn giao thông, giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm đã được Bộ Công an và Cục Cảnh sát giao thông đặc biệt chú ý.
Theo đó, Trung tâm chỉ huy Cục Cảnh sát giao thông hiện vận hành hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ với 584 camera lắp đặt trên 4 tuyến cao tốc và 10 đoạn tuyến qua Quốc lộ 1 với chiều dài hơn 1.462km. Hệ thống này cùng các hệ thống ứng dụng phần mềm nhận dạng biển số xe tại từng địa phương được sử dụng để quản lý phương tiện và phát hiện các lỗi vi phạm giao thông với độ chính xác cao, kể cả ban đêm.
Ngay khi đưa vào ứng dụng, hệ thống camera đã đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa công tác tuần tra, kiểm soát, giảm bớt sự có mặt thường xuyên của lực lượng cảnh sát giao thông trên đường nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tình hình trật tự an toàn giao thông. Hệ thống này cũng giúp cảnh báo các điểm đang diễn biến ùn tắc giao thông, làm cơ sở để lực lượng chức năng hỗ trợ giải quyết kịp thời.
Nhiều năm trở lại đây, Bộ Công an đã chỉ đạo, tiến tới cảnh sát giao thông sẽ hạn chế tối đa việc dừng xe trực tiếp. Thay vào đó, các đơn vị này sẽ được tăng cường sử dụng công nghệ hỗ trợ một cách tối đa để làm nhiệm vụ. Việc ứng dụng công nghệ dự kiến giúp cảnh sát giao thông xử lý hầu hết mọi vấn đề về giao thông, kể cả xử phạt vi phạm, ngoại trừ một số vi phạm buộc phải kiểm tra trực tiếp như nồng độ cồn, ma túy…
Ngoài ra, cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ trực tiếp trên đường đều phải đeo camera giám sát trước ngực. Việc gắn camera trước ngực giúp lực lượng cảnh sát giao thông có thể ghi hình chính xác các trường hợp vi phạm, hạn chế người vi phạm không thừa nhận hoặc lẩn trốn khi bị phát hiện, góp phần giảm bớt các trường hợp vi phạm nhưng chống đối.
Đồng thời, camera này cũng nhằm để theo dõi, giám sát và xác định được trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông khi thi hành công vụ một cách minh bạch nhất.
Với người dân, việc ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan đến giao thông. Các thủ tục hành chính được đưa lên cổng dịch vụ công hay các hướng dẫn nộp phạt tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không phải đi lại nhiều lần. Giấy tờ của công dân cũng được gửi lại qua đường bưu điện.
Gần đây nhất, hệ thống đấu giá biển số xe cũng đã được thực hiện trên trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến, giúp người có nhu cầu sở hữu biển số như mong muốn nhận được thông tin công khai, được trả giá đấu trực tuyến bằng tài khoản riêng của mình.
Người trúng đấu giá sẽ được Bộ Công an gửi thông báo kết quả vào hòm thư điện tử và gửi tin nhắn tới số điện thoại đăng ký tại tài khoản ngay sau khi phê duyệt kết quả đấu giá; thông báo kết quả trúng đấu giá biển số ô tô thay thế hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc hợp đồng bán tài sản nhà nước. Biển số ô tô trúng đấu giá được cấp duy nhất cho người trúng đấu giá.
Trong thời gian tới, Bộ Công an và Cục Cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục tăng cường và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để nâng cao hiệu quả các mặt công tác của lực lượng chức năng nhằm hướng tới phục vụ nhanh nhất, hiệu quả nhất, tiết kiệm thời gian, biên chế.
Gần đây nhất, Cục Cảnh sát giao thông đã có 2 năm liên tiếp phối hợp cùng Báo Dân trí tổ chức cuộc thi “Sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam”, trong đó có hạng mục về giải pháp công nghệ nhằm thu hút sự đóng góp của cộng đồng vào việc xây dựng các ứng dụng công nghệ áp dụng cho lĩnh vực này.
Năm 2022, hàng trăm bài dự thi đã được gửi về cho chương trình với các ý tưởng giải pháp công nghệ mới, có chiều sâu về kỹ thuật. Sang đến năm 2023, cuộc thi vẫn đang nhận được sự ủng hộ và đóng góp của nhiều người dân, với các ý tưởng công nghệ đột phá, dự kiến có thể góp phần thay đổi bộ mặt giao thông Việt Nam trong thời gian tới.
Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2023 do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện. Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn. Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có đơn vị tài trợ chính Công ty Ô tô Toyota Việt Nam , đơn vị tài trợ Tổng công ty Bảo hiểm PVI |