Những kỹ năng cần thiết khi tham gia giao thông đường bộ
(Dân trí) – Tránh đi vào điểm mù của xe cỡ lớn, duy trì khoảng cách và tốc độ phù hợp, nhường đường cho xe hoặc người ưu tiên, không dùng rượu bia, tuân thủ chỉ dẫn của lực lượng chức năng là những kỹ năng cần thiết khi tham gia giao thông.
Chạy đúng tốc độ, phần đường
Một trong những lý do phổ biến gây ra tai nạn giao thông là chạy quá tốc độ, nhất là tại các khu vực giao cắt, khúc cua, ngã rẽ, khu vực trường học, bệnh viện, công trường hoặc phần đường dành cho phương tiện đặc thù (xe đạp, người đi bộ, tàu hỏa…). Bởi vậy, giảm tốc độ khi đến ngã tư, ngã ba, khúc cua, ngã rẽ sẽ giúp người điều khiển sẽ có thời gian quan sát các hướng và phương tiện khác, để ứng phó kịp thời khi có xe bất ngờ đi ra hoặc có biến cố xảy ra.
Việc tuân thủ tốc độ cũng rất quan trọng khi di chuyển trên đường cao tốc. Khi đó, lái xe cần tăng tốc trên phần đường dẫn đầu vào, khi nào đạt tới trên tốc độ tối thiểu thì mới được nhập làn. Đầu vào của các cao tốc luôn gắn biển giới hạn tốc độ tối đa và tốc độ tối thiểu, các tài xế cần tuân thủ nghiêm các giới hạn này để đảm bảo an toàn và khả năng lưu thông liên tục của các xe khác.
Tài xế không đi vào phần đường ưu tiên cho phương tiện khác, không đi vào làn dừng khẩn cấp trên đường cao tốc nếu không có sự cố.
Tùy vào điều kiện thời tiết, địa hình thực tế, điều kiện ánh sáng, tài xế điều khiển xe với tốc độ phù hợp. Cụ thể, khi thời tiết mưa, sương mù, hoặc đường trơn, hỏng hóc, việc giảm tốc độ được ưu tiên hàng đầu. Khoảng cách an toàn mà các chuyên gia đưa ra là 3 giây với thời tiết tốt , 6 giây với thời tiết xấu tương đương 100 m và 200 m tùy thời tiết.
Tài xế cũng cần giảm tốc từ từ để có thể dừng lại an toàn khi xuất hiện biển cảnh báo nguy hiểm, chướng ngại vật, chuyển hướng hay gặp sự cố về thiết bị. Lúc này, thay vì đi nhanh và giảm tốc độ đột ngột, người sử dụng phương tiện cần quan sát từ xa hoặc xác định sự cố thiết bị, sử dụng đèn nháy báo hiệu cho các phương tiện xung quanh, giảm tốc từ từ và đi vào làn đường tránh hoặc dừng đỗ.
Giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện
Lỗi đâm sau là lỗi phổ biến trong giao thông, xảy ra khi người điều khiển phương tiện đi trước phanh gấp bất ngờ hoặc phương tiện phía sau tăng tốc đột ngột. Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người lái xe phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình.
Theo đó, tại các nơi có cắm biển báo “Cự ly tối thiểu giữa 2 xe” thì phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo. Theo các chuyên gia, với tốc độ lưu thông 60km/h – 80km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu của các xe là 30 – 45m. Riêng tại cao tốc, khoảng cách an toàn mà các chuyên gia đưa ra là 100 m và 200 m tùy thời tiết.
Một lưu ý khác là không lách vào khe hẹp giữa hai phương tiện đang đi song song hoặc tránh nhau, tránh nguy cơ hai xe bên cạnh thay đổi khoảng cách sẽ gây ra tai nạn.
Tránh đi vào điểm mù của các xe cỡ lớn
Phần lớn tai nạn xảy ra với xe ô tô cỡ lớn là do người điều khiển phương tiện giao thông khác đi vào điểm mù của các xe này. Những điểm mù này được tạo ra do chỗ ngồi của người lái xe bị che khuất tầm nhìn do cabin gây ra, khiến họ hầu như không thể quan sát được những vị trí này. Bởi vậy, một trong những kỹ năng an toàn giao thông hữu ích nhất đó là tránh đi vào điểm mù của xe ô tô cỡ lớn.
Các điểm mù phổ biến của xe ô tô cỡ lớn gồm vị trí ngay trước đầu xe, hai bên đầu xe và vị trí phía sau xe. Do buồng lái quá cao, tài xế xe cỡ lớn chỉ nhìn thấy những vật lớn, không thể nhìn được các vật bị khuất dưới góc buồng lái. Loại xe này (nhất là xe tải, container không trang bị kính chiếu hậu, nên việc quan sát phía sau gặp nhiều hạn chế.
Góc hai bên trước xe nằm khuất trong khả năng phản chiếu của gương bên, đặc biệt là hông phải xe, cũng khiến các phương tiện dễ rơi vào điểm mù của xe cỡ lớn hoặc đi ngay trước mũi xe, ngay sau đuôi xe ở khoảng cách gần, tránh hai điểm mù phần thân xe (dọc từ buồng lái về phía sau phần xe). Người điều khiển phương tiện cũng tránh vượt hoặc đi song song với xe cỡ lớn tại các khúc quanh, khúc rẽ.
Kiểm tra các điều kiện phù hợp trước khi tham gia giao thông
Người lái xe cần kiểm tra phương tiện trước khi khởi hành, đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp, thắt đai an toàn khi đi ô tô. Khi lái xe, người điều khiển phương tiện cận đi bên phải, đúng phần đường, làn đường, loại đường giao thông phù hợp với phương tiện, tuân thủ nghiêm các biển báo, chỉ dẫn trên đường, tuân thủ sự điều phối của lực lượng chức năng.
Người lái xe phải có bằng lái mới được điều khiển phương tiện. Người tham gia giao thông cần đi đúng tốc độ cho phép, tỉnh táo, tập trung, không điều khiển xe khi mệt mỏi, buồn ngủ, uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích. Với từng loại phương tiện, từng loại đường và trong điều kiện thời tiết, ánh sáng khác nhau, người lái xe sử dụng hợp lý đèn pha, đèn tín hiệu và gương chiếu hậu, chiếu bên đúng cách.
Ngoài việc tuân thủ hướng dẫn của tiếp viên, người có trách nhiệm điều phối, điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông còn cần có trách nhiệm bảo vệ trẻ em khi sử dụng phương tiện giao thông, tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ mọi người. Khi tham gia giao thông tại phần đường có nơi dành cho các đối tượng ưu tiên hoặc xuất hiện xe ưu tiên, người điều khiển phương tiện cần tuân thủ nguyên tắc ưu tiên.
Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2023 do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện. Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn. Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có đơn vị tài trợ chính Công ty Ô tô Toyota Việt Nam , đơn vị tài trợ Tổng công ty Bảo hiểm PVI |