Giải pháp kiềm chế, làm giảm ùn tắc giao thông đường bộ.
1. Nhóm giải pháp mang tính lâu dài.
1.1. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tham gia giao thông.
Người tham gia giao thông là chủ thể của các hoạt động giao thông, trên một tuyến đường nếu không có người tham gia giao thông thì sẽ không có UTGT, không có TNGT và các vấn đề khác liên quan đến TTATGT. Do đó, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đưa hoạt động giao thông vào nề nếp, xây dựng thói quen tham gia giao thông có trật tự, văn minh, tự giác chấp hành các quy định về ATGT là một trong những điều kiện tiên quyết để phòng ngừa, giảm thiểu TNGT và UTGT. Công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT cần tập trung lưu ý một số nội dung sau:
- Cần xác định vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT đối với lãnh đạo các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chính tham gia giao thông.
- Xây dựng nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Nội dung tuyên truyền phải đi vào các chủ đề chuyên sâu. Ưu tiên sử dụng các hình ảnh trực quan sinh động dễ đọc, dễ hiểu, dễ nghe, dễ nhìn.
– Phát huy tối đa hiệu quả các hình thức tuyên truyền qua hệ thống phương tiện truyền thông đại chúng có đông đảo độc giả như báo, đài, truyền thanh, truyền hình và các trang mạng xã hội…. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện các hình thức truyền thống như: tổ chức các hội thi bằng hình thức sân khấu hóa, tổ chức các lớp tập huấn, các buổi tọa đàm… để tuyên truyền.
– Đẩy mạnh giáo dục ATGT trong hệ thống trường học từ bậc mầm non đến đại học một cách thực chất, phát huy hiệu quả hệ thống Công an 4 cấp, đặc biệt là lực lượng Công an xã trong việc tuyên truyền trực quan về ATGT. Truyền đạt những kỹ năng cơ bản và kiến thức cần thiết cho việc sử dụng phương tiện, các kỹ năng tham gia giao thông an toàn, đặc biệt phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
1.2. Nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm và xây dựng thể chế về QLNN về TTATGT.
Xây dựng Luật TTATGT đường bộ nhằm khắc phục những yếu kém, bất cập trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ hiện nay – Ảnh: VGP/Lê Sơn
– Tăng cường phân công lực lượng CSGT tiến hành TTKS, XLVP vào các giờ cao điểm, các tuyến, địa bàn trọng điểm thường xảy ra TNGT, UTGT, nơi thường xuyên xảy ra các hành vi vi phạm về TTATGT. Nhanh chóng tích hợp GPLX, Đăng ký xe, Chứng chỉ hành nghề…kết quả phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm vào căn cước công dân và hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia, trích xuất và áp dụng việc thông báo trực tuyến, trực tiếp vi phạm và kết quả xử lý của các cơ quan chức năng đến địa phương cư trú, đơn vị công tác của người vi phạm, lấy kết quả chấp hành TTATGT là tiêu chí để đánh giá, xếp loại cán bộ công chức, đảng viên, xếp loại gia đình văn hóa….để nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm, phòng tránh việc kiêng nể, tác động các mối quan hệ xã hội, nâng cao hiệu quả trong việc giáo dục nhận thức của người tham gia giao thông.
– Phát huy tối đa hiệu quả của các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo hướng hiện đại, xây dựng giao thông thông minh, tự động hóa, tăng cường camera giám sát, các thiết bị phục vụ phạt nguội, giảm dần tỉ lệ can thiệp của con người trong xử lý vi phạm về TTATGT. Đây là việc làm có hiệu quả mạnh mẽ cũng như đảm bảo sự công bằng trong xử lý vi phạm. Áp dụng cho mọi thành phần tham gia giao thông trong xã hội.
– Xây dựng thể chế theo hướng tăng nặng một số hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT, UTGT gây hậu quả nghiêm trọng. Không coi hành vi vi phạm về TTATGT là nguyên nhân gây TNGT, UTGT là hành vi vô ý, những hành vi vi phạm trực tiếp như vi phạm nồng độ, không có GPLX, chở hàng quá tải trọng nên được Luật hóa theo hướng hình sự, giảm độ tuổi phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm hành chính về TTATGT. Xây dựng Luật riêng để điều chỉnh trực tiếp công tác QLNN về TTATGT; Nghiên cứu xây dựng điểm về GPLX và trừ điểm GPLX. Đây cũng là một trong những nội dung chính cần có, là cơ sở để xây dựng và ban hành Luật trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới.
1.3. Tiếp tục thực hiện đề án di dời nhà máy, công sở, bệnh viện, trường đại học… ra khỏi nội đô.
Khu vực trung tâm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã và đang chịu nhiều áp lực như quỹ đất ngày càng eo hẹp, quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là… ùn tắc giao thông. Chính vì thế, di dời nhà máy, công sở, bệnh viện, trường đại học… ra khỏi nội đô được xác định là việc cấp thiết. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai từ khâu lập chương trình, kế hoạch, đề án di dời cho đến thực thi trên thực địa vẫn còn chậm nền dẫn đến nhiều hệ lụy. Sự gia tăng dân số cơ giới ở 2 thành phố trung tâm này ngày càng nhanh. Do đó, đây là việc làm vừa mang tính chiến lược lâu dài, vừa mang tính cấp bách, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành để xây dựng kế hoạch, thời gian và lộ trình cụ thể để thực hiện có hiệu quả.`
1.4. Xem xét, xây dựng lộ trình phù hợp để hạn chế phương tiện cá nhân hoặc xe mô tô, gắn máy vào trung tâm nội đô.
Việc cấm xe mô tô, xe gắn máy vào trung tâm nội đô là xu thế tất yếu của các nước phát triển trên thế giới, hạn chế việc tham gia tùy tiện theo kiểu “lấp chỗ trống”, hạn chế ùn tắc và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên cũng cần phải tham khảo một số nơi trên thế giới khi cấm xe mô tô, gắn máy vào các tuyến đường nội đô, cần tính toán kỹ về lợi ích cũng như những điểm bất cập còn tồn tại, tránh việc lượng ô tô tăng nhanh đột biến trong khi hạ tầng giao thông không đáp ứng được gây ra tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng hơn.
Tại Hà Nội, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Sở đang xây dựng 2 đề án cấm xe máy vào trung tâm từ năm 2025 trong một số tuyến đường chính, tiến tới 2030 cấm toàn bộ xe máy và thu phí phương tiện vào nội đô, theo đó, cấm được xe máy càng sớm càng tốt để giảm ùn tắc và ô nhiễm.
Ông Vũ Văn Viện khẳng định, Thành phố chỉ xem xét dừng hoạt động xe máy khi hệ thống vận tải hành khách công cộng và các phương tiện thay thế đáp ứng được tối thiểu nhu cầu đi lại của người dân. Như vậy, cơ sở hạ tầng giao thông, giao thông công cộng sẽ là điều kiện tiên quyết để thành phố quyết định giảm, dừng hoạt động xe máy.
2. Nhóm giải pháp cấp bách
2.1. Sử dụng đồng bộ hệ thống đèn tín hiệu kết hợp màn hình Led điều khiển giao thông.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng các khu vực nội đô, đặc biệt là ở 2 trung tâm lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (2 trung tâm có các điểm xảy ra ùn tắc thường xuyên) tương đối hoàn chỉnh, nhất là tại các nút giao thông ngã ba, ngã tư và lớn hơn đều có tín hiệu đèn giao thông, đã được khảo sát, tính toán với chu kỳ đèn tối ưu nhất, bên cạnh đó là hệ thống camera giám sát giao thông, hệ thống camera phạt nguội tương đối khép kín từ nút giao này đến nút giao kế cận. Có trung tâm điều khiển giao thông tương đối hiện đại với sự phối kết hợp giữa các thiết bị điều khiển tự động và các cán bộ chuyên trách về điều hành giao thông (chủ yếu là lực lượng Cảnh sát giao thông).
Trên cơ sở đó, để tiết kiệm chi phí lắp đặt, đầu tư thêm thiết bị máy móc và cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống tín hiệu đèn và camera giám sát giao thông hiện có, tác giả đề xuất lắp đặt thêm các biển báo hiệu bằng tín hiệu điện tử (màn hình led) +loa với kích cỡ vừa phải, lắp đặt đồng thời trên giá long môn, cùng với giá lắp đặt tín hiệu đèn giao thông.
Về tác dụng:
– Khi không xảy ra UTGT thì các màn hình này sẽ hiển thị các thông số kỹ thuật về điều kiện thời tiết, lưu lượng phương tiện, chạy các quy định của pháp luật về TTATGT để tuyên truyền trực tiếp về ATGT, chạy các quảng cáo (có thêm nguồn thu nhập tái đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông).
Đèn tín hiệu giao thông và màn hình Led trong điều kiện bình thường
– Khi xảy ra UTGT, khi đó các tín hiệu về UTGT sẽ được hệ thống camera giám sát giao thông, lực lượng CSGT trực tại các chốt, thông tin từ quần chúng nhân dân cung cấp, các thiết bị phần mền trực tuyến (navitel, google map) báo về trung tâm chỉ huy, khi nhận được thông tin thì các thiết bị tự động hoặc cán bộ trực trung tâm chỉ huy sẽ báo cáo Lãnh đạo phụ trách, phân tích các thông tin về tình hình tắc đường, từ đó ra các chỉ thị, mệnh lệnh thực hiện phân làn, phân luồng từ sớm, từ xa bằng các mệnh lệnh trên màn hình led kết hợp với tín hiệu đèn (tín hiệu đèn xanh chỉ hướng đi phải theo cho người điều khiển phương tiện, tín hiệu đèn đỏ liên tục – cấm đường đối với lối vào tuyến đường đang xảy ra ùn tắc ngay tại các nút giao phía ngoài khu vực xảy ra ùn tắc) để giảm thiểu phương tiện đi vào khu vực ùn tắc, điều hướng hợp lý vào các tuyến đường thấp điểm, giao thông thưa thớt, từ đó dễ dàng giải tỏa các tuyến đường, khu vực xảy ra UTGT. Như vậy, đây sẽ là giải pháp hiệu quả để điều tiết giao thông, phân luồng từ sớm, từ xa, mang lại hiệu quả cao và tiết kiệm rất nhiều nhân lực (CSGT, các lực lượng Công an xã, phường, dân quân tự vệ, các lực lượng tình nguyện khác); tiết kiệm chi phí xăng dầu, phương tiện đi lại cho CBCS, bộ đàm, thiết bị thông tin liên lạc; tiết kiệm thời gian báo cáo, chỉ huy, phối hợp chỉ huy giữa đơn vị này với đơn vị khác, giữa Công an tỉnh này với Công an tỉnh khác (Trường hợp xảy ra UTGT liên tỉnh), hay giữa Hà Nội, TP HCM với các tỉnh vệ tinh xung quanh, đặc biệt là cửa ngõ là lối vào, lối ra các trung tâm thành phố này những ngày đầu và kết thúc các kỳ nghỉ lễ, tết dài ngày.
Biển chỉ dẫn, Đèn tín hiệu giao thông và màn hình Led khi xảy ra UTGT
2.2. Thay thế dải phân cách cố định bằng dải phân cách di động, thậm chí là dải phân cách di động tự hành.
Qua đánh giá thực tế thực trạng UTGT tại Việt Nam, tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố trực thuộc tỉnh, có thể thấy đặc trưng của UTGT diễn ra theo quy luật của dòng người/phương tiện tham gia giao thông. Cụ thể: Buổi sáng đi làm/ buổi chiều về nhà; Ngày đầu nghỉ lễ – hướng phương tiện từ trung tâm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ra các tỉnh ngoại thành/ Ngày cuối nghỉ lễ theo chiều ngược lại. Thông thường UTGT chỉ diễn ra trên 1 chiều đường theo xu hướng của dòng phương tiện nêu trên do áp lực giao thông tăng đột biến, trong khi kết cấu 2 làn đường xe chạy ngược chiều bằng nhau, dẫn mật độ phương tiện giao thông/đơn vị km chiều dọc đường vượt ngưỡng, dấn đến sự quá tải của 1 làn đường và tất yếu dẫn đến UTGT.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu thay thế dần các dải phân cách cứng được đặt tại tim đường, chia đường thành hai chiều xe chạy bằng nhau, nhất là ở cấc tuyến đường chính, cửa ngõ dẫn vào trung tâm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn hay xảy ra UTGT trong các trường hợp trên cần được xem xét, nghiên cứu một cách nghiêm túc.
Hiện nay, một số thành phố lớn trên thể giới đã sử dụng dải phân cách di động, linh hoạt điều chỉnh vị trí của dải phân cách các làn đường xe chạy phù hợp với thời gian và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông thực tế ở từng mốc thời gian trong ngày, hoặc trong các dịp nghỉ lễ. Kết cấu của dải phân cách này không cố định, chia thành nhiều mắt và kết nối khớp với nhau, khi cần điều chỉnh sẽ có phương tiện chuyên dụng để thay đổi vị trí của dải phân cách theo nhu cầu giao thông.
Dải phân cách di động và phương tiện chuyên dụng Ảnh: Nguồn internet
Khi vào các dịp nghỉ lễ lớn, dài ngày, phương tiện tăng đột biến vì nhu cầu người dân về quê, đi du lịch, sẽ điều chỉnh dải phân cách theo hướng mở rộng chiều đường từ trung tâm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ra các tỉnh vệ tinh, thu hẹp làn đường xe chạy chiều ngược lại để cân bằng mật độ giao thông trên 2 chiều đường. Kết thúc nghỉ lễ thì điều chỉnh mở rộng theo chiều hướng tâm, thu hẹp làn đường đi ra ngoại thành. Đây là giải pháp có thể phát huy nhiều hiệu quả trong thực trạng giao thông tại Việt Nam khi số lượng phương tiện tham gia giao thông gia tăng một cách đột biến.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể tính toán đến phương án áp dụng sử dụng các dải phân cách cố định tự hành bằng việc sản xuất các dải phân cách linh hoạt, có đủ trọng lượng cần thiết để cố định phần đường xe chạy, có gắn động cơ và bánh xe tự hành dưới chân để điều khiển bằng điện tử, điều khiển từ xa hoặc điều khiển tự động. Nếu làm được điều này thì đây là giải pháp tối ưu để giải quyết tình trạng UTGT vào các dịp lễ, tết và các kỳ nghỉ dài ngày. Hạn chế được việc vướng mắc phương tiện khi sử dụng phương tiện chuyên dụng để điều chỉnh vị trí của dải phân cách di động không tự hành.
2.3. Xây dựng lực lượng chuyên trách về phòng ngừa, giải quyết UTGT tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất của cả nước, do diện tích hẹp, mật độ dân cư và phương tiện đông, có nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội lớn nên tình hình UTGT thường xuyên xảy ra và có diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, không có lực lượng chuyên trách để phòng ngừa và giải quyết UTGT. Lực lượng CSGT ngoài vai trò là lực lượng nòng cốt, phối hợp với nhiều lực lượng khác như Thanh tra giao thông, Cảnh sát khu vực, Công an Phường/Xã, dân quân tự vệ và các lực lượng tình nguyện khi có UTGT xảy ra thì phải kiêm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ khác như tham mưu, tuyên truyền, TTKS và XLVP, bảo vệ phương án, dẫn đoàn hoặc các nhiệm vụ chính trị khác. Do đó, công tác phòng ngừa và giảm thiểu UTGT chưa thực sự được chú trọng dẫn đến hiệu quả công tác chưa cao. Hiện nay, thời tiết có những diễn biến phức tạp gây mưa lớn, triều cường, hệ thống thoát nước công cộng yếu kém, ngập úng cục bộ trên các tuyến đường tại trung tâm Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến TTATGT. Trong khi chưa thể giải quyết vấn đề đáp ứng đủ quỹ đất cho giao thông đô thị, giải quyết ngập úng trong một sớm, một chiều thì việc thành lập lực lượng chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ phòng chống UTGT là việc làm cần thiết.
Khi có lực lượng chuyên trách về phòng ngừa, giải quyết UTGT (CSGT và một số lực lượng kỹ thuật, vận hành hệ thống giao thông thông minh) sẽ tiến hành đồng bộ các biện pháp, trong đó quan trọng nhất là làm tốt công tác điều tra cơ bản, tiến hành điều tra sâu, kỹ, thật chất các tuyến đường, địa bàn trọng điểm về UTGT; phân tích các điều kiện tự nhiên, khu vực, mật độ dân cư, dân số, kết cấu nhà ở, nhà cao tầng, hệ thống cấp thoát nước, các vấn đề bất cập về hạ tầng giao thông liên quan trực tiếp đến UTGT; dự báo xu hướng của phương tiện/người tham gia giao thông trong các ngày lễ tết, kỳ nghỉ dài ngày; máy móc, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cần thiết để giải quyết UTGT; xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra UTGT; phương tiện chuyên dụng để cẩu kéo phương tiện hư hỏng/ phương tiện liên quan đến TNGT gây UTGT; có lực lượng thường trực chiến đấu để giải quyết UTGT trên địa bàn 2 thành phố này.
Theo đó, cũng có thể khoán chỉ tiêu về kiềm chế UTGT nhằm thúc đẩy, nâng cao tinh thần trách nhiệm cho các lực lượng làm nhiệm vụ chuyên trách, lấy tiêu chí về phòng ngừa, giảm thiểu UTGT là cơ sở để đánh giá, phân loại thi đua, phân loại cán bộ đối với CBCS, có hình thức khen thưởng kịp thời với các cá nhân/tập thể có thành tích tốt, đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm liên đới khi để xảy ra UTGT. Đây sẽ là một trong các giải pháp mới, có hiệu quả để giải quyết UTGT tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
2.4. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường vành đai, tiếp tục cải tạo, mở rộng các nút giao, xây dựng cầu vượt nhẹ để tăng lưu lượng giao thông qua nút.
Hiện nay, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang chủ trương thực hiện xây dựng các tuyến đường vành đai kết nối trung tâm với các tỉnh vệ tinh, đồng thời giảm thiểu áp lực giao thông đi qua khu vực nội đô nên trong thời gian tới cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng để đưa vào sử dụng các tuyến đường này trong thời gian sớm nhất. Đối với các nút giao thông hạn chế năng lực thông xe, các nút giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc thì tiến hành các biện pháp truyền thống như xén mở rộng tối đa mặt đường tăng khả năng thông hành, tăng diện tích đất dành cho giao thông; xây dựng cầu vượt tại một số nút giao thông quan trọng, thường xuyên; xén vỉa hè mở rộng các nút giao để tăng lưu lượng giao thông qua nút; tổ chức giao thông hợp lý, cho các phương tiện rẽ phải liên tục, cấm rẽ trái tại một số nút giao để hạn chế xung đột giao thông.
2.5. Một số giải pháp khác
Cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng đủ tiện lợi, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, làm việc của người dân khu vực trung tâm, sớm đưa vào khai thác hệ thống đường sắt đô thị và tàu điện ngầm để góp phần giảm áp lực giao thông cho mạng lưới đường đô thị hiện tại và giảm số lượng phương tiện cá nhân một cách tự nhiên. Tổ chức tuần tra, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi họp chợ, bán hàng, dừng đỗ xe trái phép gây cản trở giao thông. Có biện pháp xử lý tình trạng ngập úng cục bộ tại các tuyến phố thường xảy ra ngập úng khi có mưa lớn, triều cường nhằm đảm bảo lưu thông trên toàn địa bàn.
Kết luận
Hoạt động giao thông vận tải đường bộ có vị trí hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như việc đảm bảo thực hiện các quyền cơ bản của công dân. Thực trạng ùn tắc giao thông đường bộ hiện nay đang gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Vì vậy, tiến hành các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu ùn tắc giao thông mang ý nghĩa hết sức to lớn trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này gặp nhiều khó khăn do cần nguồn vốn đầu tư lớn, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, đến quỹ đất và nhiều vấn đề xã hội khác.
Thời gian qua, công tác phòng ngừa ùn tắc giao thông đã được Đảng, nhà nước và cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm, có sự chung tay của toàn xã hội và đã đạt được những kết quả nhất định nên UTGT đã được kiểm soát, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại hạn chế cần khắc phục và nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.
Trên cơ sở đánh giá về tình hình, thực trạng UTGT nói riêng, trật tự an toàn giao thông nói chung vẫn còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, với sự hiểu biết của mình, tôi xin mạnh dạn trình bày một số những ý tưởng, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để góp phần phòng ngừa, giảm thiểu ùn tắc giao thông trong thời gian tới. Rất mong được Ban Giám khảo, Ban tổ chức cuộc thi lưu tâm, nghiên cứu, đánh giá nội dung nghiên cứu với diễn biến của tình hình thực tiễn, áp dụng vào thực tế có hiệu quả. Quá trình nghiên cứu không thể tránh khỏi những sai sót, rất mong nhận được sự góp ý để những ý tưởng của tôi hoàn thiện hơn.
Vui lòng xem chi tiết tại link: https://drive.google.com/drive/folders/1aPmoGJ8bFmAFhlJ1Ce8u56BW5WM2sTE5?usp=share_link